206 tỷ đồng cho 1km đường vẫn mãi không xong
Báo Gia đình & Xã hội số 47 ra ngày 20/4 đăng tải bài báo: “Chuyện lạ về “con đường đau khổ” ngay giữa Hà thành” phản ánh việc, nhiều năm nay người dân ở phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải sống chung với mùi hôi thối và ruồi muỗi từ những bãi sình lầy và nước thải bốc lên từ con đường chạy qua địa bàn được thi công gần 10 năm nay nhưng chưa thể “cán đích”. Việc dừng thi công đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, giao thông ách tắc.
Ngày 19/4, trao đổi với PV, Ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho biết, dự án này do Ban quản lý dự án quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư. Tình trạng ô nhiễm môi trường, xuống cấp trầm trọng tại đây đã diễn ra từ nhiều nhiều năm nay khiến dân bức xúc. UBND phường Cổ Nhuế 2 đã nhiều lần họp lấy ý kiến của người dân và cử tri để báo cáo và đề nghị Hội đồng nhân dân quận với hy vọng được đẩy nhanh tiến độ, cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay tình trạng nói trên vẫn chưa được khắc phục. Ông Nguyễn Ngọc Quang cũng thông tin, nguyên nhân dự án làm gần 10 năm chưa xong là do cốt đường thấp.
Chiều 24/4, trong buổi làm việc với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Minh An - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư quận Bắc Từ Liêm lại cho rằng, lý do dự án chậm gần 10 năm do cốt nền thấp như ông Phó chủ tịch phường Cổ Nhuế 2 thông tin chỉ là một nguyên nhân nhỏ khiến dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân chính theo ông An là do vướng mắc trong khâu giải phóng được mặt bằng. Các điểm chưa giải phóng được mặt bằng bao gồm: 11 hộ kiot ở đường Cầu Noi; Khu tập thể của các đơn vị: Tổng cục 2; Cục đo lường; BTL Tăng thiết giáp; Đại học Mỏ địa chất.
Thông tin chi tiết về dự án, ông Nguyễn Minh An cho biết, con đường là một nhánh của dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, đoạn nối từ đường Hoàng Quốc Việt với khu đô thị Nam Thăng Long dài 3.393m, thời gian thực hiện từ 2008 đến năm 2017. Dự án có tổng vốn đầu tư 206 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đấu giá trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Ông An cho rằng, công tác triển khai dự án đúng quy định về đầu tư xây dựng, tuy nhiên đến nay đúng là có chậm tiến độ thực hiện. Việc thoát nước cho dự án chưa đảm bảo dẫn đến ngập úng ở một số vị trí, gây mất vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực tập trung dân cư. Nguyên nhân là do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, cốt mặt đường thiết kế thấp hơn cốt tự nhiên, đồng thời dự án chưa được khớp nối hạ tầng kỹ thuật. “Hiện nay, UBND quận đang tập trung chỉ đạo xin cơ chế chính sách để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, xin tham vấn để khớp nối hạ tầng kỹ thuật, đề xuất nâng cốt mặt đường cục bộ tại khu vực tập trung đông dân cư để giải quyết về thoát nước, khắc phục ô nhiễm do ngập úng”, ông An cho biết thêm.
Sẽ cưỡng chế để giải phóng mặt bằng?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh An cho biết, hiện tại đơn vị chưa biết khi nào con đường sẽ được khởi công tiếp, tất cả phụ thuộc vào quyết định của Thành phố. Đối với việc phá bỏ đoạn đường đã trải nhựa và đoạn vỉa hè đã lát gạch, ông An cho rằng, việc này chắc chắn sẽ làm đội vốn của dự án nhưng vì mục đích chung và nếu dự án hoạt động hiệu quả thì điều này có thể chấp nhận được.
Ngày 26/4, PV Báo Gia đình & Xã hội tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 để tìm hiểu về công tác giải phóng mặt bằng, ông Quang cho biết, phường Cổ Nhuế 2 và quận Bắc Từ Liêm đang tập trung giải quyết dứt điểm đối với 11 hộ không chấp hành việc bàn giao mặt bằng cho dự án. Hiện nay, quận và phường đang tập trung vận động, nếu các hộ vẫn không chịu bàn giao thì quận sẽ tổ chức cưỡng chế. Về nguồn gốc đất, ông Quang thông tin, đất mà 11 kiot chưa bàn giao không phải là đất thổ cư mà là đất nông nghiệp các hộ tự ý lấn chiếm trái phép để xây dựng nên không được đền bù mà chỉ được hỗ trợ. Trong đó, một số hộ đã nhận tiền hỗ trợ nhưng cũng chưa bàn giao mặt bằng.
Chiều cùng ngày, PV đã gặp một số hộ dân thuộc 11 hộ chưa bàn giao mặt bằng để tìm hiểu lý do. Trao đổi với PV, ông N. Nam - một trong số 11 hộ dân ở đây thừa nhận, đúng là đất họ đang sinh sống và buôn bán là đất nông nghiệp, họ tự ý lấn chiếm xây dựng mà chưa được sự đồng ý của chính quyền nên không được cấp sổ đỏ. Vì thế họ chỉ được hỗ trợ đền bù 6.5 triệu đồng/m2. Theo người dân, mức hỗ trợ này là quá thấp. Ông Nam lý giải, tất cả 11 hộ dân đều về đây ở trước năm 1993 không có sổ đỏ nhưng theo Luật Đất đai năm 2013, những người sống trên đất nông nghiệp trước năm 1993 vẫn được nhận mức bồi thường bằng 50% theo quy định, tức là phải hơn 11 triệu đồng/m2.
“Chính quyền đang làm khó khi không công nhận chúng tôi về đây ở trước năm 1993 để giảm mức hỗ trợ. Nhiều hộ dân đây đã nhiều lần gửi đơn lên thành phố với mong muốn được xác minh lại thời gian sinh sống trên đất để nhận mức bồi thường thỏa đáng. Được bồi thường thấp như thế này thì khi bàn giao đất cho dự án chúng tôi không thể có tiền để mua một mảnh đất khác”, ông Nam cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài (cắt từ đường Phạm Văn Đồng đến ga Phú Diễn, sau đó chạy dọc lên các trục đường chính của huyện Đan Phượng) dài 10 km, rộng 50m, gồm 6 làn xe, hai bên đường là vỉa hè rộng 7,25m. Dự án đường nối trung tâm với phía Tây Hà Nội. Theo UBND Hà Nội, việc mở tuyến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài sẽ thúc đẩy kinh tế phía Tây thành phố, nhất là với các dự án bất động sản đang hình thành tại quận Bắc Từ Liêm, các huyện Hoài Đức, Đan Phượng.
Con đường mới trị giá 1.400 tỷ đồng sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo cửa ngõ phía Bắc TPHCM
Gia đình & Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét